Ngành logistics phát triển bứt phá vượt qua khó khăn, phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19

Ngày 28/4/2022, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo "Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics" do Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và Báo Công Thương tổ chức. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân tham dự sự kiện và phát biểu khai mạc.

Cùng tham dự Hội thảo còn có đại diện các tổ chức kinh tế, thương mại, các tập đoàn; tổng công ty, các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, logistics, thương mại điện tử, các tổ chức, các quỹ đầu tư, các ngân hàng, sàn giao dịch, đối tác giao hàng và đối tác sử dụng; các tổ chức đào tạo, nghiên cứu về logistics và các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá cao việc Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương đã phối hợp với Báo Công Thương để tổ chức Hội thảo với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics”. Chủ đề của Hội thảo mặc dù không mới, nhưng là yếu tố then chốt, là vấn đề tiên quyết cần giải quyết nếu muốn ngành logistics có thể phát triển bứt phá, đạt được vị trí xứng tầm với tiềm năng phát triển của ngành, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang thích ứng, vượt qua khó khăn, phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19.

Việt Nam đã tham gia 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA) với những cam kết ở mức độ rất cao của các bên tham gia trong tất cả các lĩnh vực. Hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam phát triển mạnh giúp gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, mở rộng thị trường đa dạng các loại hàng hóa tham gia xuất nhập khẩu. Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4, song xuất nhập khẩu cả nước vẫn đạt con số kỷ lục với tổng kim ngạch đạt 668,55 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu đạt hơn 336,3 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020; nhập khẩu đạt 332,2 tỷ USD, tăng 26,5%; xuất siêu hơn 4 tỷ USD. Với kết quả này, Việt Nam đã lọt nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Kết quả tích cực nêu trên không thể không kể đến đóng góp của ngành dịch vụ logistics. Với vị trí địa lý đặc biệt nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu rất mạnh, Việt Nam được đánh giá là có thế mạnh về địa kinh tế, rất thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ logistics. Chính phủ Việt Nam đã xác định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ cũng như những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng ngành logistics vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Một trong những hạn chế lớn là doanh nghiệp logistics vẫn chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng của ngành. Theo số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam, hiện 90% các doanh nghiệp logistics đang hoạt động là doanh nghiệp Việt Nam, nhưng lại chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, còn lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài. Số lượng doanh nghiệp nhiều nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, quy mô hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Chính vì vậy, ở cả chiều mua và bán, doanh nghiệp logistics trong nước đều bị hạn chế về sân chơi.Thứ trưởng hy vọng rằng, thông qua buổi Hội thảo, các đơn vị sẽ tìm ra các giải pháp nhằm: Phát triển dịch vụ logistics thành một ngành đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước; Thảo luận xu hướng phát triển của ngành, những thuận lợi, khó khăn, thách thức và cơ hội với ngành dịch vụ logistics trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch; Hỗ trợ giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics về số lượng, quy mô, trình độ nhân lực, có năng lực cạnh tranh cao ở thị trường trong nước và quốc tế; Chia sẻ của Doanh nghiệp lớn về thương mại hóa sản phẩm, dịch vụ logistics để các doanh nghiệp khởi nghiệp logistics học tập kinh nghiệm; Tăng cường xúc tiến thương mại, truyền thông và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp logistics giao lưu, tiếp cận với đại diện các doanh nghiệp thương mại điện tử, doanh nghiệp sản xuất và các doanh nghiệp logistics trong và ngoài nước, qua đó có những điều chỉnh kịp thời về năng lực đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Trong khuôn khổ Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics”, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2021. Tiếp nối những kết quả đạt được từ Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2016, 2017, 2018, 2019, 2020, năm 2021 là năm thứ 6 liên tiếp Bộ Công Thương biên soạn và xuất bản cuốn Báo cáo này. 

Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam là tài liệu chính thức của Bộ Công Thương về tình hình xuất nhập khẩu của từng nhóm mặt hàng, thị trường, tình hình tận dụng các cơ hội từ FTA và công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu cung những phân tích và dự báo cho thời kỳ tiếp theo. Báo cáo Xuất nhập khẩu trong những năm qua đã cung cấp thong tin minh bạch, có hệ thống được các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức nghiên cứu và đào tạo quan tâm, tín nhiệm, đánh giá cao.

Theo Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2021 được công bố sáng ngày 28/4, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 336,310 tỷ USD, tăng 19,0% so với năm 2020. Trong đó, 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu bao gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên, Hải Phòng, Đồng Nai, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Dương, Phú Thọ. Nổi bật trong số này, dù xếp ở vị trí thứ 10 (tăng 3 bậc so với năm 2020) trong bảng xếp hạng các địa phương dẫn đầu nhưng Phú Thọ là địa phương có tỷ trọng cao nhất đạt 91,5% so với năm 2020 với giá trị 8,2 tỷ đôla.

Trong khi đó, mặc dù vẫn là địa phương có tỷ trọng dẫn đầu cả nước đạt 44,902 tỷ đôla nhưng Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạt tỷ trọng tăng 1,2% so với năm 2020. Riêng thủ đô Hà Nội đứng ở vị trí thứ 8 (tụt 1 bậc so với năm 2020, xếp sau Bắc Giang) của cả nước, đạt 15,5 tỷ đôla nhưng cũng chỉ tăng 2,2% so với năm 2020.

Bên cạnh đó, 10 tỉnh có tỷ trọng xuất nhập khẩu thấp nhất cả nước (tính từ trên xuống dưới) bao gồm: Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Đắc Nông, Ninh Thuận, Bắc Kạn, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên. Trong đó, Điện Biên là tỉnh có tỷ trọng xuất khẩu thấp nhất cả nước chỉ đạt 15,702 triệu đôla, tăng trưởng âm lên tới 60,3%, tụt 3 bậc so với năm 2020.

Đáng chú ý, trong các tỉnh nằm cuối “bảng xếp hạng” có Bắc Kạn chỉ đạt 41,248 triệu đôla nhưng lại có tỷ trọng tăng trưởng đạt tới 276,6% so với năm 2020, tăng 3 bậc theo thứ hạng. Nhóm các tỉnh như Sơn La, Lai Châu dù vẫn có mức tăng trưởng tăng so với năm 2020 nhưng thứ hạng thống kê về kim ngạch xuất khẩu vẫn “giữ nguyên” vị trí thứ 61 và 62 so với cả nước.

Qua những con số này có thể thấy, cả nước trong năm 2021 dù hứng chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng vẫn đạt tỷ trọng xuất khẩu tăng 19,0%. Có được kết quả vô cùng ấn tượng này phải kể đến sự nỗ lực, linh hoạt trong điều hành của Chính phủ, sự tham mưu kịp thời của các bộ ngành như Công Thương, Tài chính… và của các địa phương khi “ứng phó”, thích ứng trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp.

Trong năm 2021, dù 2 địa phương Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội dù vẫn ở “top” đầu nhưng tỷ trọng tăng trưởng không cao, thủ đô Hà Nội còn bị tụt hạng khi xếp ở vị trí thứ 8 sau Bắc Giang. Điều này có thể lý giải được bởi trong năm qua đây là 2 trong số những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi Covid-19.

Riêng đối với Phú Thọ, trong năm 2021, địa phương này đã “leo” 3 bậc trên bảng xếp hạng khi có tỷ trọng tăng trưởng lên tới 91,5% so với năm 2020. Có được kết quả này, chắc chắn phải ghi nhận những nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương của Phú Thọ đã quyết liệt thực hiện các giải pháp như: Định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại; thường xuyên tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp; triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất…

 Tác giả: Thủy Trần

Nguồn : Bộ Công Thương Việt Nam (https://moit.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong/nganh-logistics-phat-trien-but-pha...)

0335.774.233
Hải Quân Logistics