Trong phiên giao dịch ngày 9/3, giá dầu đã giảm mạnh sau khi tăng lên mức cao chưa từng thấy. Trong khi đó, đà phục hồi của thị trường chứng khoán được hỗ trợ từ việc giá dầu giảm mạnh ở phiên giao dịch cùng ngày.
Giá dầu giảm hơn 10%
Chốt phiên ngày 9/3, giá dầu ngọt nhẹ WTI giao kỳ hạn giảm 15 USD (12,1%), dừng ở mức 108,70 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 16,84 USD (13,2%), chốt phiên ở 111,4 USD/thùng.
Giá dầu liên tục tăng mạnh trong thời gian gần đây. Trong phiên giao dịch ngày 8/3, giá dầu WTI và Brent đều đã tăng lên mức cao nhất trong gần 14 năm qua do ảnh hưởng tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ đứt gãy nguồn cung dầu từ Nga - nước xuất khẩu dầu thứ 2 thế giới (sau Saudi Arabia).
Ngày 8/3, Mỹ quyết định cấm nhập khẩu dầu và các mặt hàng năng lượng từ Nga, trong khi Anh tuyên bố sẽ từng bước hạn chế nhập khẩu dầu của quốc gia châu Âu này vào cuối năm 2022. Trong khi đó Liên minh châu Âu (EU) cũng công bố kế hoạch nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Diễn biến trên thị trường dầu mỏ ngày 9/3 là phản ứng trước những thông tin về việc Nga và Ukraine xúc tiến các cuộc gặp ngoại giao nhằm tháo gỡ xung đột cùng với tuyên bố của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ủng hộ tăng sản lượng khai thác dầu mỏ thế giới.
Chứng khoán trên đà phục hồi
Đà phục hồi của thị trường chứng khoán thế giới được hỗ trợ từ việc giá dầu giảm mạnh trong phiên giao dịch 9/3.
Trong phiên giao dịch ngày 9/3, chỉ số MSCI bao quát chứng khoán tại 50 nước đã tăng 2,6%. Tại thị trường New York, cả 3 chỉ số chứng khoán chủ lực của Mỹ là Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đều tăng, lần lượt ở mức 2%, 2,57% và 3,59%.
Tại châu Âu, chỉ số chứng khoán toàn khu vực STOXX 600 tăng tới 4,68%.
Tại châu Á, mở phiên sáng 10/3, trong 15 phút đầu giao dịch tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei và Topix đều tăng gần 3%.
Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc mở phiên cũng tăng 1,9%, trong khi chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) cũng tăng gần 3% trong giao dịch đầu ngày.
(theo TTXVN)